Chị Ngân Hà trú tại Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội vẫn chưa hết sợ khi nghe ai mời chị đi ăn ba ba.
Vào dịp sinh nhật hai năm trước, chị Hà mời nhóm bạn bè đi ăn ba ba. Mọi lần, chị ăn không làm sao. Nhưng hôm đó, nhân viên nhà hàng hỏi chị Hà có lấy tiết ba ba uống rượu không, chị từ chối để nhân viên tự làm thịt rồi chế biến ba ba cho bàn.
Nửa tiếng sau món ba ba rang muối và ba ba om chuối đậu mang ra, chị Hà và nhóm bạn ăn rất ngon miệng. Nhưng hơn hai giờ sau, chị Hà và bạn bè có triệu chứng đau bụng, mệt mỏi, co quắp chân tay. Bị nặng nhất là chị Hà vì ba ba là món khoái khẩu nên mai rồi các chân ba ba chị ăn sạch sẽ, ăn nhiều nhất. Chị Hà phải vào khoa Nội, bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu. Tại đây, bác sĩ cho biết chị bị rối loạn tiêu hóa do ngộ độc ba ba.
Những người có tạng hàn, sinh đẻ, đang ốm yếu dở không nên ăn thịt ba ba.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ, ba ba là món ăn giàu dinh dưỡng nhưng thịt ba ba cũng có những chống chỉ định đặc biệt vì nếu làm sai có thể gây ngộ độc nặng. Đặc biệt, khi ba ba đã chết ươn thì tuyệt đối không được chế biến thành các món ăn vì rất dễ bị trúng độc.
Nguyên nhân do thức ăn của ba ba là tôm cá, ốc, thủy sinh nên đường ruột của ba ba chứa nhiều vi khuẩn có hại. Khi ba ba chết vi khuẩn này sinh sôi, nảy nở lây bệnh. Hơn nữa, thịt ba ba có rất nhiều chất đạm, các axit amin. Khi ba ba chết, những chất này nhanh chóng phân giải thành các nhóm amin và những chất thuộc nhóm amin. Thời gian ba ba chết càng lâu thì số lượng các nhóm này càng tăng nên dễ dàng gây trúng độc khi ăn. Tuyệt đối không được ăn thịt ba ba nhỏ vì không những không bổ dưỡng mà còn có độc. Tốt nhất là ăn ba ba đã trưởng thành. Khi trưởng thành ba ba có cân nặng từ 500 gr, đầu tròn nhọn, đuôi ngắn nhỏ, có hình tam giác. Ba ba có chất lượng nhất là khoảng 8-9 tháng tuổi.
Người sinh đẻ không nên ăn ba ba
Theo lương y Vũ Quốc Trung, thịt ba ba có vị mặn, tính bình có tác dụng tư âm, tiềm dương, trấn tinh, khiết kiên, tán kết, đầu ba ba bổ khí trợ dương, thịt ba ba tư bổ cường tráng, mai ba ba trị âm thoái nhịt, bổ huyết, tiêu ứ, mật ba ba có vị đắng, tính bình.
Trong 100g thịt baba có khoảng 80g nước, 16,5 g protein; 1g lipid; 1.6 g carbohydrate; 107 mg calci; 1,4 mg sắt; 3,7 mg acid nicotinic, vitamin B1, B2, vitamin A và i ốt. Vì thế, ăn thịt ba ba rất tốt cho sức khỏe. Mai ba ba dùng cho người lao gây, lao lực quá độ, nhức xương, tiểu tiện ra sỏi, tích huyết sinh hòn cục, sốt rét sinh bụng to, sốt rét lâu ngày. Thịt ba ba là loại thực phẩm ngon và bổ. Ai ăn được nhiều có thể chữa bệnh lao phổi và khỏi đi lỵ lâu ngày, chữa chứng khí hư, người bị chứng âm hư gày, hao còm, ốm yếu. Tuy nhiên, thịt ba ba có tính lạnh nên chỉ hợp với người tạng nhiệt. Những người có tạng hàn, sinh đẻ, đang ốm yếu dở không nên ăn thịt ba ba. Theo kinh nghiệm của dân gian thì không nên ăn thịt ba ba với kinh giới sẽ có thể sinh các bệnh lở loét và ngứa. Ăn thịt ba ba xong không nên ăn đào vì hợp chất có trong 2 loại này kỵ nhau.