Tại Việt Nam, ba ba được xếp vào danh sách đặc sản, bổ dưỡng do có chứa nhiều đạm và acid amin. Mỗi 100g thịt ba ba có chứa tới 13,6g đạm; 4,3g mỡ; 4,1g đường; vitamin B1 0,06mg, B2 0,2mg, PP 3,3mg, E 1,75mg, P 14mg, canxi 133mg, sắt 2mg…
Còn trong đông y, tiến sĩ, lương y Phùng Tuấn Giang cho biết ba ba còn có tên gọi khác là cua đinh, cước ngư có tính bình, vị ngọt. Khi hầm ba ba với chuối xanh hoặc các loại rau có tác dụng điều chỉnh nội tiết tố ở cả nam giới và phụ nữ. Nam giới ăn ba ba giúp bổ thận, tráng dương, nữ giới ăn ba ba giúp dưỡng âm, bổ huyết.
Tác dụng nổi bật của ba ba giúp bổ âm, bổ huyết. Khi chế biến nên kết hợp cùng lá lốt và tỏi giúp chế ngự tính lạnh của ba ba
Theo TS Giang, khi chế biến ba ba nên lưu ý các gia vị kết hợp. Tốt nhất nên dùng với tỏi, lá lốt vì chức năng của 2 loại này là ôn ấm khi kết hợp sẽ chế ngự tính lạnh của ba ba. Khi nấu ba ba, có thể cho cả bát to tỏi cũng không có mùi, càng cho nhiều càng ngon.
Trong đông y, thịt ba ba nấu với ngó sen còn chữa băng huyết, rong kinh, nấu với chân giò lợn và đại táo giúp tăng tiết sữa. Ngoài ra tiết ba ba pha với rượu uống nóng giúp phục hồi sức khoẻ cho người mới ốm dậy, giúp bổ âm, bổ huyết chữa hoa mắt, choáng váng.
"Đặc biệt mai ba ba (miết giáp) là vị thuốc rất quý trong y học cổ truyền có tác dụng nổi bật là bổ âm, bổ huyết, bổ can thận âm hư", TS Giang chia sẻ.
Với mai ba ba, có thể nấu cao hoặc nướng, xao vàng rồi tán thành bột mịn cho vào các thang thuốc giúp điều trị các chứng bệnh ở phụ nữ như âm hư có xuất huyết, nội nhiệt, nóng trong, thiếu máu, thận âm hư...
Cũng theo TS Giang, trong các bài thuốc cổ phương cũng sử dụng miết giáp để trị xơ gan, giúp tán kết (tán các khối bất thường trong gan).
Hiện trên mạng truyền nhau ăn ba ba để chữa xương khớp, tuy nhiên TS Giang khuyên những ai bị đau nhức xương không nên ăn loại đặc sản này vì ba ba giúp bổ âm, càng ăn sẽ càng đau.